Sáu đứa con trai đó là tâm bệnh của bà. Nhưng bà chưa bao giờ đi tìm, vì sợ nếu tìm nhầm nhà không tốt, ta sẽ biến thành muội muội người ta, rồi bị bán đi đổi sính lễ như bà ngày xưa.
Thấy sắc mặt hai người đều trở nên khó coi, ta vội xen vào để hòa hoãn không khí:
"Quan tâm làm gì hoàng đế với chả thiên tử, mấy chuyện xa tận chân trời ấy. Chúng ta vẫn nên nghĩ xem trưa nay có nên tiêu ít tiền mua xương về hầm canh không thì hơn."
Vừa dứt lời, toàn bộ cơn giận trong phòng đều hướng về phía ta.
Mẹ ta đập bàn quát:
"Ăn ăn ăn! Chỉ biết ăn! Ta nói bao nhiêu lần rồi, không được bén mảng đến cửa tiệm này, con tưởng đây là nghề gì tốt đẹp à? Còn muốn lấy chồng không đấy?"
Chu nương tử cũng hùa theo:
"Chiêu Nương, nghe lời mẹ con đi, đừng đến tiệm nữa, ra đường cũng đừng nhận là quen biết ta. Mẹ con nuôi con tốn không ít tiền đâu, sau này phải gả vào một nhà đàng hoàng."
Ta bĩu môi.
Phải, đúng là tốn không ít tiền.
Ngay cả nữ giáo tập cũng mời về dạy, từ lúc nhà ta không phải chịu đói nữa, mẹ ta chỉ hận không thể nuôi ta thành một tiểu thư khuê các hưởng phúc.
Nhưng nếu ta thực sự gả vào một nhà quá đàng hoàng, chuyện đầu tiên người ta bắt ta làm chính là không bao giờ được về nhà mẹ đẻ.
Ta qua loa đáp:
"Được được, chờ đến khi nhà ta có con trai nuôi mẹ rồi, con sẽ đi lấy chồng."
Mẹ ta tức giận, ném thẳng một cái khăn lau qua:
"Đồ chẳng ra gì! Ngay cả con mà cũng dám lấy ta ra làm trò cười!"
03
Thế nhưng, đời này thật lạ kỳ, mới nói dứt lời được năm hôm, trước cửa nhà ta quả nhiên có một cỗ xe ngựa dừng lại.
Từ trên xe bước xuống một vị công tử khí chất như tùng như bách, nhìn là biết ngay là người đọc sách.
Hắn nhìn mẹ ta, đôi mắt hoe đỏ, lập tức quỳ sụp xuống, trán chạm đất, giọng nói đầy nghẹn ngào:
"Mẹ, con bất hiếu, đến tận năm hai mươi tuổi mới tìm được người. Xin người theo con về nhà."
Lúc đó đúng vào ngày họp chợ, xung quanh cửa tiệm nhà ta đều là những gánh hàng rong và khách qua lại.
Hắn vừa quỳ xuống, đám đông lập tức vây lại, ai nấy đều tỏ vẻ hiếu kỳ.
"Ấy dà, trước giờ cứ nghe nói Liễu Đại nương này sinh nhiều con trai, ta còn tưởng bà ấy chỉ bịa chuyện để làm ăn. Không ngờ thật sự có con đến nhận!"
"Xì, nhà nào tử tế lại đi nhận người mẹ như vậy chứ? Chắc không phải thấy bà ta giàu lên, đến lừa tiền đấy chứ?"
"Cũng khó nói lắm! Mà có mẹ lăng loàn thế này, ta thà không dây vào!"
...
Tiếng xì xào bàn tán vang lên, toàn là những lời châm chọc cay nghiệt mà ta đã lâu không nghe thấy.
Ta giận đến nỗi muốn xông ra chửi lại, nhưng mẹ ta lại đẩy ta vào trong nhà.
"Không được lên tiếng! Làm hỏng thanh danh của con, ta phí công tính toán ngần ấy năm còn có ích gì?"
Ta không dám cãi, đành nuốt cơn giận vào lòng.
Mấy kẻ đó sao không đi chửi lão cha nuôi khốn nạn kia của ta? Mẹ ta đâu có tự nguyện bị đem ra đổi chác!
Như thể nghe thấu tiếng gào thét trong lòng ta, kẻ quỳ ngoài cửa lên tiếng, giọng rõ ràng, dứt khoát:
"Mẹ ta bị chồng bà ấy đem đi cầm cố, một người đàn bà yếu ớt thì có thể phản kháng thế nào? Lỗi là do lão nam nhân vô dụng kia, không đáng làm người! Mọi người mắng mẹ ta có lý lẽ gì sao? Đời vốn đã khó khăn, chẳng lẽ một người phụ nữ đơn độc lại phải gánh vác hết thảy hay sao? Nhà nào chẳng có phụ nữ, mong mọi người hãy tích chút khẩu đức."
Lời này vừa dứt, đám đông lặng ngắt.
Mắt mẹ ta cũng hoe đỏ.
Nhưng chẳng mấy chốc, có người cười khẩy:
"Nói nghe hay lắm! Chẳng phải cũng chỉ vì tham tiền của bà ta thôi sao?"
Vị ca ca mà ta vừa âm thầm nhận thân vẫn điềm nhiên đứng dậy, từ trong xe lấy ra một vật giơ cao lên:
"Ta họ Triệu, tên Chính, là cống sĩ đứng thứ bốn mươi bảy trong nhị giáp kỳ thi năm nay. Đây là quan ấn của ta. Ta đến đây chỉ để làm tròn chữ hiếu, không phải vì tiền tài.
Nếu các vị còn hoài nghi, có thể đến phố Xuân Phong ở kinh thành mà xem. Bảng vàng nơi đó vẫn chưa dỡ xuống, xem thử có tên Triệu Chính ta hay không!"
Không cần đi xem, ai nấy đều tin ngay lập tức.
Quan ấn là thứ chỉ có kẻ không muốn sống mới dám làm giả!
Dân không đấu nổi quan, mấy kẻ vừa nãy còn lớn giọng chửi bới giờ co đầu rụt cổ, lặng lẽ tản ra, chỉ mong vị "Đại nhân họ Triệu" này đừng nhìn thấy mình.
Thế nhưng, vị "Đại nhân họ Triệu" này chỉ tiếp tục quỳ xuống, giọng nói tha thiết:
"Mẹ, người theo con về nhà đi. Con muốn ở bên người để báo hiếu."
Mẹ ta chỉ thản nhiên lắc đầu:
"Vị đại nhân này, ngài nhận nhầm người rồi. Hai mươi năm trước, ta không nhớ mình từng sinh ra đứa con nào."